Giải pháp an toàn nào để sạc xe điện?

Trong tương lai gần chúng ta dễ dàng thấy các trạm sạc điện ôtô hoặc xe máy sẽ hiện diện khắp nơi. Song song, nổi lo an toàn điện và cháy nổ sẽ là vấn đề quan trọng và chắc chắn rất đáng để lưu tâm và đầu tư. Do đó, cần có một giải pháp an toàn nào dành cho trạm sạc xe điện nhằm bảo vệ người dùng, chống cháy nổ và phương tiện sạc. Đó là trang bị RCCB cho hệ thống sạc của nhà mình. Nhưng dùng RCCB loại gì và cách lắp như thế nào thì cùng chúng tôi tìm hiểu nhé.
(*) dựa theo bảng “IEC 61851-1 charging modes” - "Các chế độ sạc theo chuẩn quốc tế IEC 61851-1"

1. Các loại bảo vệ của RCCB: nếu bạn chưa rõ thì cùng tìm hiểu lại theo link sau nhé: Các Loại bảo vệ chống rò trong RCCB - Điện Tập (dientap.com). Trong đó, chúng ta sẽ cần quan tâm đến RCCB loại A và loại B.

2. Các chế độ sạc điện:

Theo tiêu chuẩn IEC 61851-1 có 4 chế độ sạc :

2.1 Chế độ 1: Xe điện kết nối trực tiếp với lưới điện AC không qua bảo vệ RCCB, dòng điện giới hạn 16A. Chế độ này bị cấm và hạn chế ở một số quốc gia. Việc sạc trực tiếp xe điện vào lưới điện AC mà không có RCCB bảo vệ thì không được phép ở Mỹ, Israel và Anh, cấm sạc nơi công cộng ở Ý, và bị hạn chế một số vùng ở Thụy Sĩ, Đan Mạch, Na Uy, Đức.

>>> Giải pháp an toàn cho chế độ sạc 1 này:

Bạn nên sử dụng RCCB ít nhất là loại AC thông dụng hiện nay trong hệ thống điện nhà mình nếu có sử dụng nguồn điện để sạc xe điện trong nhà. Muốn đảm bảo hơn chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng MCB và RCCB loại A dành riêng cho khu vực cấp nguồn sạc cho xe điện.

2.2 Chế độ sạc 2: Xe điện kết nối với lưới điện AC thông qua thiết bị điều khiển sạc và bảo vệ tích hợp trên cáp sạc (IC-CPD), thường được hãng đưa kèm theo xe để người dùng có thể tự sạc ở nhà, dòng điện giới hạn 32A, điện áp 1 pha không quá 250VAC và 3 pha không quá 480V. Chế độ này còn biết đến là chế độ sạc chậm, khách hàng thường sử dụng để sạc qua đêm, nên vấn đề rò điện gây sốc điện, hỏa hoạn hoặc hư hỏng thiết bị cần được xem xét cẩn trọng.

>>> Giải pháp an toàn cho chế độ sạc 2 này:

Sử dụng MCB và RCCB loại A hoặc B bảo vệ an toàn điện gồm quá tải và chống rò AC+DC trong chế độ sạc 2. Để tiết kiệm chi phí, chúng ta có thể sử dụng RCCB loại A để bảo vệ vì chế độ này sử dụng hộp điều khiển sạc tích hợp sẵn của xe đã có bảo vệ bên trong.

2.3 Chế độ sạc 3: Trạm sạc cấp nguồn AC được gắn với lưới điện xoay chiều AC, dòng điện xoay chiều AC cấp vào board sạc tích hợp trong xe. Chế độ này có thể điều chỉnh dòng sạc lên tới 250A cho 1 pha hoặc 3 pha. Nó cũng hỗ trợ tương thích với với chế độ sạc 2 hạn mức dòng sạc 32A cho 1 pha hoặc 3 pha.

>>> Giải pháp an toàn cho chế độ sạc 3 này:

Sử dụng MCB và RCCB loại B bảo vệ an toàn điện gồm quá tải và chống rò AC+DC trong chế độ sạc 3.

2.4 Chế độ sạc 4: Trạm sạc cấp nguồn DC được chỉnh lưu từ nguồn lưới AC hoặc nguồn cấp DC, ở chế độ này bỏ qua bộ sạc tích hợp trên xe để sạc trực tiếp tới bình điện trên xe. Chế độ này có thể cung cấp điện áp DC lên tới 600V, dòng điện tối đa 400A. Chế độ sạc này còn được biết đến chế độ sạc nhanh nhất.

>>> Giải pháp an toàn cho chế độ sạc 4 này:

Sử dụng MCB và RCCB loại B bảo vệ an toàn điện gồm quá tải và chống rò AC+DC trong chế độ sạc 4.

Một vài thuật ngữ chuyên ngành:

EVCS/ EVSE: Electric Vehicle Charging Station/ Electric Vehicle Supply Equipment - Trạm sạc xe điện.

IC-CPD: In-cable Control and Protection DeviceThiết bị điều khiển sạc và bảo vệ tích hợp trong cáp.

EV: Electric Vehicle - Xe điện.

RCD/ RCCB: Residual Current Device/ Residual Current Circuit Breaker - CB bảo vệ chống dòng rò.